Tăng trưởng của ngành may mặc Campuchia giảm tốc

 Tăng trưởng của ngành may mặc Campuchia giảm tốc

NDĐT - Theo báo cáo mới đây của Ngân hàng Quốc gia Campuchia (NBC), kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc của nước này trong nửa đầu năm nay chỉ tăng khoảng 4%, thấp hơn so dự kiến và so với mức 9% cùng kỳ năm ngoái, trong bối cảnh đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này giảm 30%.

May mặc là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Campuchia, chiếm hơn 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của nước này, tạo việc làm cho khoảng 700 nghìn công nhân.

Báo cáo của NBC cho biết, sự tăng trưởng chậm lại nói trên là do xuất khẩu hàng may mặc sang Mỹ giảm, cạnh tranh gia tăng từ Việt Nam và Myanmar, cùng với chi phí sản xuất cao do mức lương tối thiểu trong ngành dệt may của Campuchia tăng.

Đầu năm nay, lương tối thiểu của công nhân dệt may Campuchia đã được tăng lên mức 153 USD/người/tháng.

Mỹ và EU là hai điểm đến hàng đầu đối với hàng may mặc xuất khẩu của Campuchia. Theo báo cáo của NBC, nửa đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc sang cả Mỹ và EU chiếm 67% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của Campuchia, giảm so với mức 75% trong cùng kỳ năm ngoái.

Báo cáo cũng cho biết, đầu tư vào ngành may mặc Campuchia giảm là do các nhà đầu tư nhận thấy Campuchia trong ba năm tới sẽ không còn được hưởng ưu đãi về thuế từ EU như hiện nay nữa vì cách đây gần một năm, nước này đã trở thành quốc gia thu nhập trung bình thấp theo tiêu chí đánh giá của WB, do vậy sẽ không còn được hưởng những ưu đãi dành cho quốc gia nghèo.

Thời báo Khmer dẫn lời bà Chea Serey, một vụ trưởng thuộc NBC cho rằng: Việt Nam là đối thủ cạnh tranh chính của Campuchia trong lĩnh vực may mặc, sẽ được hưởng ưu đãi về thuế từ năm 2018 đối với hàng dệt may xuất khẩu vào EU theo Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU.

Trong báo cáo Triển vọng phát triển châu Á năm 2017 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), có nhận định, Campuchia hiện là nền kinh tế bị đô-la hóa cao, nước này phải cẩn trọng trong việc tăng lương tối thiểu, cần đi kèm với tăng năng suất lao động để duy trì sức cạnh tranh trên các thị trường xuất khẩu.

Tháng tư vừa qua, Ngân hàng Thế giới (WB) công bố báo cáo Cập nhật Kinh tế Campuchia, nhận định: “Việc suy giảm đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực may mặc của Campuchia không báo hiệu điều tốt lành cho sự mở rộng ngành này trong tương lai, bởi vì ngành này hiện đang hướng đến các sản phẩm có giá trị gia tăng lớn hơn và sẽ cần phải sử dụng nhiều vốn hơn nếu muốn đối phó với chi phí lao động tăng bằng cách nâng cao năng suất”.

Trong khi đó, Thống đốc NBC Chea Chanto từng nói rằng, dự kiến GDP của Campuchia sẽ tăng 7% trong năm 2017, nhờ sự gia tăng của các ngành may mặc, xây dựng, bất động sản và du lịch.

Thời báo Khmer dẫn lời ông Chanto cho rằng: “Ngành may mặc tiếp tục đóng góp chính vào GDP của Campuchia, bất chấp tốc độ tăng trưởng chậm của ngành này, trong khi đó ngành xây dựng và du lịch tiếp tục gia tăng”.

Ông Chanto cũng nêu một số nguy cơ mà lĩnh vực xuất khẩu của Campuchia phải đối mặt. Đó là, sự lên giá của đồng USD sẽ làm giảm sức cạnh tranh hàng xuất khẩu của Campuchia; tác động của việc Anh rời khỏi EU đối với hàng xuất khẩu của Campuchia sang Anh cũng là điều lo ngại; việc tăng mức tiền lương tối thiểu có thể khiến chi phí sản xuất gia tăng, qua đó có thể có tác động tiêu cực đối với ngành may mặc.